Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

NỮ GIỚI TRONG HỆ THỐNG TỔ CHỨC ĐẠO CAO ĐÀI

Bài tham luận của Hội thánh Tiên thiên tại Hội thảo khoa học về nữ giới Cao Đài

NỮ GIỚI TRONG HỆ THỐNG TỔ CHỨC ĐẠO CAO ĐÀI

1. Các nguyên tắc tổ chức Đạo Cao Đài

- Tam đài phân lập


Cơ cấu tổ chức của Đạo Cao Đài gồm ba cơ quan chính gọi là Tam Đài. Ba cơ quan này tượng trưng cho ba yếu tố của con người: Bát Quái Đài đại diện phần vô vi, tượng trưng cho linh hồn; Cửu Trùng Đài đại diện phần đời, tượng trưng phần xác; Hiệp Thiên Đài là phần bán hữu hình thuộc về nửa đời nửa đạo, tượng trưng cho Chơn thần. Tam Đài là ba cơ quan có quyền hành cao nhất trong đạo đó.

Bát Quái Đài: Là nơi thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế và các vị Phật, Tiên, Thánh, Thần. Các vị này đại diện cầm quyền ở cõi vô hình mà tín đồ tin tưởng và hướng đến để chiêm bái, cầu nguyện. Thế giới thiêng liêng trong Đạo Cao Đài được chia thành nhiều thứ bậc, cầm quyền chủ quản để siêu rỗi. 

Như vậy, cơ cấu tổ chức tại Bát Quái Đài gồm những thành phần thuộc về Thiêng Liêng, Đây là cơ quan cao nhất trong Đạo.

Cửu Trùng Đài là cơ quan hữu hình, đây là cơ quan có trách nhiệm dìu dắt con người vào cửa đạo để được về với Thượng Đế. Cửu Trùng Đài chia làm hai phái: Nam phái và nữ phái, chia làm 9 bậc gọi là Cửu phẩm. Đứng đầu là Giáo tông, sau đến Chưởng pháp, Đầu Sư, Phối Sư, Giáo sư, Giáo hữu, Lễ sanh, chức việc và tín đồ. 

Hiệp Thiên Đài: là cơ quan có nhiệm vụ quản lý và bảo vệ luật lệ trong đạo. Ngoài ra đây còn là cơ quan giữ quyền bảo vệ chân truyền của Đạo, là cái gạch nối giữa Bát Quái Đài và Cửu Trùng Đài cho Trời hiệp với người. Đứng đầu Hiệp Thiên Đài là Hộ pháp và các phẫm vị khác.

- Lưỡng phái bình đẳng

Trong cơ cấu tổ chức của Hội Thánh Cao Đài chia làm hai phái: Nam phái và Nữ phái. 

Đầu Sư nam lãnh đạo Nam phái, Đầu Sư nữ lãnh đạo Nữ phái, gọi chung là Cửu Trùng Đài lưỡng phái, được đặt ngang nhau về phẩm vị chức sắc và nhiệm vụ chức trách. 

Đối với Nữ phái thì có 7 phẩm bậc từ tín đồ lên đến Đầu sư có trách nhiệm và quyền hạn đặt ngang hàng với Nam phái. 

- Dân chủ tập trung

Tổ chức của Hội thánh Cao Đài có hai cấp: Cơ quan giáo quyền Trung ương và họ đạo cơ sở.

+ Cơ quan giáo quyền Trung ương: 

Thượng hội: Thành phần gồm có các phẩm như Thượng phẩm, Thượng sanh, Tam Bảo Thời Quân (Bảo Đạo, Bảo Pháp, Bảo Thế) Hiệp Thiên Đài và phẩm Giáo Tông, 3 Chưởng pháp, 3 Đầu sư nam, 1 Đầu sư nữ Cửu Trùng Đài. Thượng hội là cơ quan cao nhất của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, có nhiệm vụ như: Chủ trì các sinh hoạt tín ngưỡng và giữ gìn chân truyền Đạo pháp của Đức Chí Tôn.

Hội thánh: Thành phần gồm các chức sắc đang hành đạo từ Sĩ tải, Truyền trạng, Giám đạo, Thập nhị Bảo quân, Thập nhị Thời quân của Hiệp Thiên Đài và Giáo hữu, Giáo sư, Phối sư của Cửu Trùng Đài lưỡng phái. Hội thánh là cơ quan lãnh đạo trong hành chính đạo tờ Hội Thánh đến Họ đạo cơ sở..

- Thống nhất hành đạo

Việc hành đạo của Đạo Cao Đài được thống nhất qua 3 hội.

Hội nghị Nhơn Sanh: Là hội nghị mà thành phần tham dự là các Đại biểu Nhơn sanh, nhằm phản ánh nguyện vọng của nhơn sanh trong quá trình hành đạo, từ đó đề xuất kiến nghị lên Hội thánh, đồng thời giám sát các hoạt động của Hội thánh. Hội nghị Hội Thánh: Là hội nghị do Hội Thánh triệu tập, nhằm xét kiến nghị của Hội Nghị Nhơn sanh, lập thành đường lối kế hoạch hành đạo để trình lên Thượng Hội phê duyệt.

Hội nghị Thượng Hội: Là hội nghị của thành phần lãnh đạo cao nhất trong toàn nền Đạo, do các chức sắc Thượng hội triệu tập và chủ trì có trách nhiệm phê duyệt kế hoạch hành đạo 5 năm và chương trình hành đạo 1 năm của Hội Thánh, đồng thời đưa ra các chủ trương mang tính trọng yếu của Đạo.

Tóm lại, trên nền tảng chung về cơ cấu như Tam quyền, lưỡng đài, ba hội, tổ chức của Đạo Cao Đài được hình thành một cách quy củ, thể hiện phần nào mong muốn xây dựng một thể chế dân chủ, bình đẳng nam nữ và thể hiện sự vững mạnh của Đạo Cao Đài nhờ vào cơ cấu tổ chức.


2. Vai trò nữ giới trong tổ chức Đạo Cao Đài 

Nét đặc trưng quan trọng trong lịch sử tôn giáo xưa nay là Đạo Cao Đài rất coi trọng sự bình đẳng nam nữ, nên đã sớm chủ trương nam nữ bình quyền trong hệ thống tổ chức của giáo hội và cả đời sống tôn giáo hằng ngày. Mặc dù được ra đời tại một nước nửa thuộc địa nửa phong kiến mà lại chủ trương nam nữ bình đẳng, đây là yếu tố đi trước thời cuộc và xã hội. Trong khi phụ nữ Hồi giáo không được đến nhà thờ, phụ nữ Thiên Chúa giáo không được làm Linh mục và trong các tôn giáo bản địa cũng ra đời tại Nam Bộ thì người phụ nữ không có chức phận gì trong tổ chức giáo hội thì trong cơ cấu tổ chức của Đạo Cao Đài, vai trò, vị trí của nữ giới lại được xem trọng như nam giới. 

Trong Pháp Chánh Truyền có ghi: “Hễ bao nhiêu nam tức cũng bấy nhiêu nữ, nam nữ vốn như nhau, nên Thầy đến phong cho Nữ phái buổi lập Pháp Chánh Truyền”. Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển có dạy: “Trên Bạch Ngọc Kinh có đủ cả nam và nữ, các con chớ lầm tưởng là phân biệt. Các đấng nữ Tiên, nữ Phật còn lớn quyền thế hơn cả nam nhiều”, hay Nam nữ vốn đồng quyền…, Giáo hữu Nam phái cũng chịu dưới quyền Giáo sư Nữ phái”.

Đạo Cao Đài chấp nhận nữ giới trong hệ thống tổ chức tôn giáo của mình. Nữ giới giữ vai trò, phẩm vị gần như ngang bằng với nam giới. Đặc biệt trong cơ quan Cửu Trùng Đài, nam giới giữ “Cửu phẩm thần tiên”, thì nữ giới cũng chiếm đến “Thất phẩm thần tiên”. Nữ phái giữ chức vụ như nam phái, cao nhất là Đầu sư. Chỉ riêng phẩm Chưởng pháp và Giáo tông nữ giới không được giữ vì theo giáo lý Cao Đài thì hai phẩm này tượng trưng cho Dương vị, thì phải do nam phái nắm quyền chưởng quản, bởi theo lý đạo: Dương phải vượt Âm thì đạo mới phát triển:

“Thiên địa hữu âm dương, dương thạnh tắc sanh, âm thạnh tắc tử, cả Càn Khôn Thế Giới nhờ dương thạnh mới bền vững; cả chúng sanh sống bởi dương quang, ngày nào mà dương quang đã tuyệt, âm khí lẫy lừng, ấy là ngày Càn Khôn Thế Giới phải chịu trong hắc ám mà bị tiêu diệt. Nam ấy dương, nữ ấy âm, nếu Thầy cho nữ phái cầm quyền Giáo tông làm chủ nền Đạo thì là Thầy cho âm thắng dương, nền Đạo ắt bị tiêu tàn ám muội.

Chưởng pháp cũng là Giáo tông, mà còn trọng hệ hơn, là vì người thay mặt cho Hộ pháp nơi Cửu Trùng Đài. Thầy đã chẳng cho ngồi địa vị Giáo tông thì lẽ nào cho ngồi địa vị Hộ pháp con. Bởi chịu phận rủi sanh, nên cam phận thiệt thòi, lẽ Thiên cơ đã định, Thầy chỉ dạy con để dạ thương yêu bênh vực thay Thầy kẻo tội nghiệp” 
[Thánh ngôn hiệp tuyển, tr.235-236]

Thánh giáo của Đạo Cao Đài đề cập rất rõ việc nữ giới giữ phẩm vị trong tổ chức tôn giáo:
“Đường thị! Thầy giao phe nữ cho con lập thành. Chẳng phải vì đàn bà mà sớm nồi cơm, chiều trả cháo hoài. Phần các con truyền đạo kỳ Phổ độ nầy cũng lắm nặng nề; bao nhiêu Nam tức bao nhiêu Nữ; Nam biết thành Tiên Phật, chớ Nữ lại không sao? Thầy đã nói Bạch Ngọc Kinh có cả Nam và Nữ, mà phần nhiều Nữ lấn quyền thế hơn Nam nhiều. Vậy con phải tuân lịnh Thầy mà lập thành Nữ phái. Nghe và tuân, Thầy hằng ở bên con, lo chung cùng con; con chớ ngại”
[Thánh ngôn hiệp tuyển, tr.32-33]

Trong Đạo Cao Đài, việc tôn kính Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Từ Tôn trong được xem như là sự tiếp nối tư tưởng kính trọng và thờ phụng Thánh Mẫu của cộng đồng cư dân Nam Bộ. Trong văn hóa Nam Bộ, yếu tố Nữ Thần và Thánh Mẫu chiếm vai trò quan trọng trong hệ thống tín ngưỡng dân gian. Cụ thể là các vị như: Lê Sơn Thánh Mẫu, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Mẫu Thiên, Mẫu Địa và các vị Nữ thần như Ngũ Hành Nương Nương, Cửu Vị Tiên Nương… đã xuất hiện lâu đời trong hệ thống thờ tự của cư dân Nam Bộ. Đạo Cao Đài đã tiếp thu yếu tố này và chọn Diêu Trì Kim Mẫu như là một biểu trưng nhằm dung hòa tín ngưỡng truyền thống tại Nam Bộ, đồng thời cũng để giải thích về triết lý Âm – Dương theo giáo lý Cao Đài.

Chữ Diêu, hoặc Dao, có nghĩa là ngọc diêu, một thứ đá quý báu. Chữ Trì là ao nước hay là hồ nước. Chữ Diêu Trì hợp lại có nghĩa là ao nước hay hồ nước, trong đó có nhiều ngọc quý báu. Chữ Kim là vàng, cũng có nghĩa là các kim loại như bạc, đồng… thuộc về Tây Phương. Theo Bát quái Hậu thiên, Kim này ở ngôi Đoài, mà Đoài là Âm kim. Chữ Mẫu là mẹ, là chủ tể thuộc về hữu hình. Trong Đạo Đức Kinh có nói: “Hữu danh, vạn vật chi mẫu”, nghĩa là chừng Đạo có hình, có tên, nó là Mẹ sinh muôn vật.

Theo vũ trụ quan Cao Đài Tiên Thiên, khi chưa có trời đất, còn trong thời kỳ hỗn mang hay hồng mông, vũ trụ chỉ là một khoảng không mờ mịt, lặng lẽ vô vi, thanh trược chưa phân, nhưng vô cùng huyền diệu, chỉ có một chất khí gọi là “Tiên Thiên hư vô chi khí”. Khí hư vô ấy quay vòng rồi ngưng kết, phát ra một tiếng nổ lớn, sinh ra một điểm Thái Cực, Đạo Đức Kinh gọi đó là: “Đạo tự hư vô sanh nhất khí” tức khối Đại Linh Quang, Đại hồn của vũ trụ với tính trọn lành trọn tốt, toàn tri toàn năng, thiên biến vạn hóa, vô tận vô cùng. Từ đây, vũ trụ bắt đầu có ngôi Thái Cực duy nhất, là Đại hồn của một đấng duy nhất gọi là Ngọc Hoàng Thượng Đế mà tín đồ Cao Đài thường gọi là Đức Chí Tôn. 

Từ ngôi Thái Cực, mới phân lập ra hai Nghi Âm - Dương và chưởng quản phần Dương quang, đồng thời hóa thân ra Diêu Trì Kim Mẫu từ khối Vô Cực ban đầu để chưởng quản phần Âm quang. Vậy, nguồn gốc của Diêu Trì Kim Mẫu là hóa thân đầu tiên của Ngọc Hoàng Thượng Đế để làm chủ khí Âm quang, cầm phân nửa quyền lực với Ngọc Hoàng Thượng Đế và luôn tùng theo mạng lịnh của Ngọc Hoàng Thượng Đế. Sau đó, Diêu Trì Kim Mẫu thâu lằn sinh quang của ngôi Thái Cực, đem Âm quang phối hợp với Dương quang để tạo ra các tầng trời, tinh cầu và các địa cầu, tạo thành Càn khôn vũ trụ. Tiếp theo, định vị Kim Bàn nơi Tạo Hóa Thiên mà sinh hóa ra Bát hồn nơi cõi Thiêng liêng vô hình gồm: Kim thạch hồn, Thảo mộc hồn, Thú cầm hồn, Nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn, Phật hồn và cho đầu kiếp xuống các địa cầu tạo nên vạn vật chúng sinh. 

Vì vậy, Diêu Trì Kim Mẫu là đấng nắm cơ sanh hóa, thay mặt Chí Tôn đứng ra thâu cả Thập Thiên can đem hiệp với Thập nhị Địa chi mà tạo nên muôn vật. Như thế, con người nơi cõi phàm trần ngoài hai Đấng Cha Mẹ chung thiêng liêng, còn có thêm hai vị cha mẹ phàm trần nữa. Nói chung, toàn bộ chúng sinh trong Càn khôn vũ trụ hay toàn cả Vạn linh đều là con cái của Đức Chí Tôn và Đức Diêu Trì Kim Mẫu, dầu cho là các vị Phật Thích Ca, Phật Di Lặc, Lão Tử, Khổng Tử, Chúa Jésus… tất cả đều là con cái của Ngọc Hoàng Thượng Đế và Diêu Trì Kim Mẫu.
Vì là Mẹ sanh của muôn vật, là bậc rất mực tôn nghiêm và cao tột, có tình thương bao la, không cùng không tận đối với vạn vật nên còn có danh xưng là Vô Cực Từ Tôn. Tóm lại, trong danh xưng tuy phân biệt là Cha, là Mẹ, nhưng trong ý nghĩa siêu việt của chân lý thì Cha và Mẹ là một, hay Thái Cực và Vô Cực cũng là một, một bản thể chân như tự tánh, chí cực chí tôn, tự hữu và hằng hữu.

Trong bài Phật Mẫu Tâm Kinh có đoạn:

“Từ hỗn độn Chí Tôn hạ chỉ
Cho thiếp quyền quản khí hư vô
Lấy âm quang tạo khách tăng đồ…”

Và: 

“Chưa ai vào đến cõi trần này

Chẳng thọ lấy chơn thần tay thiếp

Sanh dưỡng đã biết bao căn kiếp

Rồi dắt dìu cho hiệp với Cha”.


Từ đây, có thể thấy vai trò và công đức của Diêu Trì Kim Mẫu qua sự tôn kính trong ý thức và đức tin của người tín đồ Cao Đài. Chính vì vậy, đại lễ Vía Đức Diêu Trì Kim Mẫu – Hội yến Bàn Đào hằng năm được xem là ngày lễ trọng bậc nhất của cộng đồng tín đồ Đạo Cao Đài.

Có nhiều cơ sở cho thấy sự bình đẳng của nữ giới trong Đạo Cao Đài không chỉ trong hệ thống tổ chức và cả trong đời sống tôn giáo, có thể nhận ra các điểm quan trọng sau: 

+ Mỗi phái đều có những phẩm trật tương đương từ hàng thấp nhất ở cơ sở địa phương đến hàng cao nhất ở giáo hội Trung ương. 

+ Đồng phẩm thì đồng quyền nam phái chứ không phải thấp hơn. 

+ Số lượng chức sắc nam phái thì giới hạn, còn nữ phái thì không. 

+ Được tham dự các buổi hạnh đường chung với nam phái, được bồi dưỡng nâng cao để trở thành người hướng đạo hoặc thuyết đạo như nam phái.

+ Trong các đàn cơ, các vị giáng đàn thường có cách xưng hô: “Thầy mừng các con nam nữ..” hay “Chào chư thiên mạng, nam nữ đàn tiền…” tức đây không phải là nơi chỉ dành dạy riêng cho nam phái.

+ Tòa thánh và thánh sở địa phương đều có cổng, cửa, khu vực dành cho nam phái và nữ phái riêng biệt.

+ Khi vào chánh điện hành lễ thường vào một lượt từ hai cửa, nam nữ đồng phẩm quỳ ngang hàng nhau theo hai bên nam nữ.

+ Ở Tòa Thánh có ngôi chánh điện tôn thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, còn có ngôi Diêu Trì Bửu Điện - nơi tôn thờ Diêu Trì Kim Mẫu và các vị Thánh mẫu, điều này cho thấy có sự bình đẳng về phương diện tâm linh. Ngoài ra, còn có các nơi như Nữ Đầu sư Đường, Tòa hành đạo Nữ Phái, Định Ngươn Đường Nữ phái là các trung tâm sinh hoạt đạo sự quan trọng của phái nữ trong nền Đạo Cao Đài. 

+ Trong phạm vi sinh hoạt xã hội, cũng như trong hành chánh đạo, phái nữ được đặt ngang hàng với nam giới, cũng có quyền ứng cử vào các vị trí như Đại biểu nhơn sanh ở cấp cơ sở, hay ủy viên Ban thường trực của Hội thánh và thành viên Thượng Hội. Nữ phái có quyền tự do tham gia bầu cử, ứng cử vào các cơ quan hành chánh đạo, cùng góp ý kiến và kiểm soát các sinh hoạt của Đạo từ Trung ương đến địa phương. 

+ Trong các nghi lễ vòng đời cũng không có sự khác biệt giữa nam nữ trong cùng phẩm cấp.

+ Trong cửa đạo, Nữ phái cũng chứng đắc được các ngôi vị Thần, Thánh, Tiên, Phật như Nam phái. 

+ Nhận thức của nhiều người thường bị ảnh hưởng bởi quan niệm “nam thanh nữ trược”, bản thân của nữ giới càng bị ám ảnh bởi việc thân thể không được sạch sẽ nên cũng trở thành một rào cản khi đến với tôn giáo. Sự cấm kỵ đối với phụ nữ đến các nơi thờ tự tín ngưỡng lâu nay là chuyện thường gặp. Tuy nhiên, có một đoạn Thánh giáo sau đã thay đổi quan niệm trên trong tín đồ của Đạo Cao Đài:

“Nhục thể phàm phu trược đã đành

Chẳng vì nhiệt huyết kỵ anh linh

Tương thân nam nữ hoa trao bướm

Hòa ái âm dương thủy nhập bình

Tạo hóa là tay xây đảnh trí

Chúng sanh như mặt chạm khuôn hình

Thợ Trời nào nỡ chê đồ tạo

Xấu tốt sạch dơ bởi miệng mình”.

[Thánh giáo Bát Nương]


Vì vậy, quan niệm sạch sẽ về thể chất và linh hồn đã được thể hiện khá rõ. Điều đặc biệt hơn ở Đạo Cao Đài là trong cơ quan Hiệp Thiên Đài cũng có sự hiện diện của nữ giới đảm nhận nhiệm vụ đồng tử hoặc các chức sắc giám luật làm nhiệm vụ hướng đạo như nam giới. Đồng thời, về phương diện tu tịnh (nội giáo tâm truyền), còn có cả Định Ngươn Đường dành riêng cho Nữ phái. 

Nhìn từ góc độ tiến bộ xã hội thì đây là một cuộc cách mạng lớn, trong lúc xã hội phương Đông còn chịu ảnh hưởng lớn của Nho giáo với quan niệm cứng nhắc về người phụ nữ như: “khuê môn bất xuất” hay “chồng chúa vợ tôi”, thì giáo lý của Đạo Cao Đài đã có bước giải phóng phụ nữ trước thời đại, nâng người phụ nữ lên một tầm vóc mới. 

Từ đây có thể nhận thấy, yếu tố phân biệt giới đã có sự chuyển biến rõ rệt theo xu hướng bình đẳng giữa nam nữ, đây chính là nét đặc trưng của thể chế Đạo Cao Đài nói chung, vị trí của người phụ nữ được khẳng định nhiều hơn trong xã hội và trong cả đời sống tôn giáo. Cho nên có thể thấy tư tưởng của Đạo Cao Đài là tư tưởng bản nguyên của con người, hoàn toàn thích ứng với tinh thần đổi mới và hội nhập hiện nay của dân tộc và thế giới.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét